Tích lũy kinh nghiệm thực tế cho sinh viên
Cùng với hoạt động kiến tập, thực tập, phương pháp Học tập dựa trên công việc thực tế (work - based learning) giúp các trường đại học cải thiện tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Một chuyến đi thực tế của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân.
Hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp (DN) được các trường đại học (ĐH) công lập và dân lập trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều năm qua. Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN, Trường Đại học Duy Tân cho biết, nhà trường đã ký hợp tác ghi nhớ với gần 300 DN để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên (SV) có nơi trải nghiệm thực tế.
Do đó, các buổi tham quan được tổ chức thường xuyên, lồng ghép trong môn học cho SV ngay năm nhất. Đặc biệt, khoa Du lịch liên tục tổ chức cho tất cả các khóa đi học thực tế; khoa Điện - Điện tử tổ chức 3-6 lần/năm...
Hoạt động này giúp SV được tiếp xúc trực tiếp với nghề nghiệp tương lai nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tránh bỡ ngỡ khi xin việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để SV áp dụng kiến thức đã học vào công việc và xem xét, đánh giá khả năng của bản thân.
Ông Sơn cho biết thêm, nhiều SV ngành Du lịch còn chủ động liên hệ với DN để xin việc làm bán thời gian vừa có thêm thu nhập vừa tích lũy kinh nghiệm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó trưởng khoa Tiếng Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ, SV của khoa mỗi năm đi thực tập 8 tuần vào kỳ học cuối tại các cơ quan, DN có sử dụng tiếng Anh cho mục đích giao dịch quốc tế, soạn thảo văn bản, dịch thuật...; đồng thời tham gia các bộ phận hợp tác quốc tế ngay trong các trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng.
Đặc biệt, những năm gần đây, khoa còn tổ chức cho SV đi nước ngoài học tập. “SV cần nhiều kỹ năng bên ngoài nhà trường nên phải đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm hơn nữa”, bà Hoa nhấn mạnh.
Trải nghiệm môi trường học tập ngoài giảng đường được các SV hào hứng đón nhận. Em Nguyễn Chí Bảo, SV năm nhất, ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Trường Đại học Duy Tân cho hay, em vừa trải nghiệm công việc thực tế tại một khách sạn cao cấp trên địa bàn thành phố.
Tại đây, các em được tham quan, giới thiệu cách bài trí các vật dụng cũng như những kỹ năng cần có của một nhân viên làm việc trong ngành này. Theo Bảo, đây là hoạt động rất hữu ích, giúp SV nắm bắt nhanh hơn những lý thuyết được học tại trường và tạo động lực phấn đấu với ngành nghề lựa chọn.
Trên thực tế, tần suất trải nghiệm của SV không đồng đều giữa các trường, các khoa, không ít trường hợp SV đi thực tế 1 lần/năm hoặc chỉ có thời gian kiến tập, thực tập. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là số lượng SV quá đông, kinh phí đi lại, lý do an toàn lao động nên nhiều DN không tiếp nhận SV.
Để cải thiện tình trạng này, phương pháp Học tập dựa trên công việc thực tế, một mô hình nằm trong khuôn khổ dự án Kết nối Mekong thông qua giáo dục và đào tạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID COMET) đang được các trường ĐH chú trọng.
Mới đây nhất, ĐH Đà Nẵng tổ chức hội thảo về mô hình này cho đội ngũ giảng viên đang tham gia quản lý và giảng dạy tại các cơ sở thành viên để áp dụng vào công tác đào tạo SV trong thời gian tới. PGS.TS Võ Trung Hùng, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng chia sẻ, không nên xem việc trải nghiệm thực tế tại DN là vấn đề gì quá lớn lao.
Chương trình này có thể đơn giản chỉ là đưa SV đi quan sát quy trình vận hành dây chuyền sản xuất để các em có thể ghi chép, phỏng vấn những gì liên quan đến kiến thức đã học. Hoặc các em được nhìn môi trường làm việc liên quan ngành học, từ đó hình dung ra nơi làm việc sau này. Những điều đơn giản đó từng bước giúp phát triển thái độ làm việc cho SV.
SV qua đó có thể nhận thức được nên học cái gì, học như thế nào để kiếm việc làm ngay khi ra trường. Nhờ đó, các em có thể tìm kiếm nơi thực tập phù hợp, tạo sự kết nối với DN để chủ động trải nghiệm thực tế và có lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn”.
PGS.TS Phan Minh Đức, Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cũng cho rằng, học tập dựa trên công việc thực tế giúp người học tiếp cận thực tiễn và vận dụng các kiến thức đã học vào những tình huống cụ thể, rèn kỹ năng xử lý trong lĩnh vực chuyên môn. Do đó, cần tìm cách phát huy mô hình này để SV có thêm nhiều kinh nghiệm nhằm sẵn sàng gia nhập chủ động và hiệu quả vào thị trường lao động ngay khi tốt nghiệp.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ
http://baodanang.vn/channel/5411/201810/tich-luy-kinh-nghiem-thuc-te-cho-sinh-vien-3120623/