Với ý tưởng sáng tạo, thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng mà có tính khả thi cao, dự án "Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng FPGA" (Mã AP071) của 2 sinh viên Nguyễn Thế Đức và Hồ Văn Chương đến từ Khoa Điện - Điện tử, Đại học (ĐH) Duy Tân đã đoạt giải thưởng Dự án xuất sắc tại chung khảo khu vực châu Á trong cuộc thi Intel Innovative FPGA 2017 diễn ra vào ngày 15-7-2018 vừa qua.
Đây cũng là dự án duy nhất của Việt Nam lọt vào Top 8 Dự án xuất sắc và giành giải tại cuộc thi lần này.
Giấy khen của Ban tổ chức cuộc thi Intel Innovative FPGA 2017 trao cho thầy và trò ĐH Duy Tân
Được tổ chức bởi tập đoàn Intel & Terasic (Mỹ), "Intel Innovative FPGA 2017" là cuộc thi có quy mô quốc tế chuyên về thiết kế hệ thống nhúng. Cuộc thi tạo cơ hội cho mọi đối tượng từ sinh viên, kỹ sư, giáo sư đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hệ thống nhúng thỏa sức thiết kế và sáng tạo. "Intel Innovative FPGA 2017" khởi động từ tháng 12-2017 và được chia làm 4 khu vực, bao gồm: Mỹ, châu Âu - Trung Đông, Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hơn 100 đề tài của các sinh viên, kỹ sư và doanh nghiệp gửi về dự thi. Ngay từ những vòng đầu cuộc thi, dự án "Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng FPGA" của 2 sinh viên Nguyễn Thế Đức và Hồ Văn Chương của ĐH Duy Tân đã luôn nằm trong top những dự án được bình chọn cao nhất, nhận được sự đánh giá cao của Ban Giám khảo bởi: (1) Sự cần thiết và tính khả thi của dự án trong việc góp phần hỗ trợ lái xe an toàn, (2) Sử dụng linh hoạt các thuật toán để mang lại hiệu quả tối ưu cho hệ thống,... dự án "Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng FPGA" đã được trao giải thưởng Dự án xuất sắc với phần thưởng gồm giấy khen của Ban Tổ chức và 200 USD.
Sinh viên Nguyễn Thế Đức gắn sản phẩm lên xe tô tô (ảnh trên) và kỹ sư Tạ Quốc Việt - Cán bộ Trung tâm CEE (người đứng) hướng dẫn cho Nguyễn Thế Đức và Hồ Văn Chương thực hiện dự án (ảnh dưới)
Để thực hiện dự án "Hệ thống cảnh báo ngủ gật sử dụng FPGA", Nguyễn Thế Đức và Hồ Văn Chương đã sử dụng bộ công cụ hỗ trợ Terasic DE10-Nano do Ban Tổ chức cung cấp, kết hợp với công nghệ học máy (Machine Learning) cùng công nghệ xử lý hình ảnh và thuật toán SVM. Khi hệ thống được lắp đặt trên xe, camera đặt đối diện với tài xế sẽ thu lại hình ảnh khuôn mặt của tài xế. Các thuật toán được lập trình trong hệ thống có "nhiệm vụ" phát hiện trạng thái nhấp nháy mắt theo thời gian thực qua camera giám sát bằng cách dò tìm, so sánh trạng thái khuôn mặt gần đây nhất trong bộ lưu trữ cơ sở dữ liệu để đưa ra thông số về độ mở mắt với mức phân tích chuỗi hình ảnh liên tục theo tỉ lệ 5 giây/khung hình. Sau khi thấy dấu hiệu "thiếp đi" của tài xế, hệ thống sẽ có loa phát ra tín hiệu cảnh báo. Bên cạnh đó, tần suất mệt mỏi qua từng giờ của tài xế cũng được hệ thống lưu lại và tính toán xác suất để đưa ra cảnh báo trước, giúp ngăn ngừa xảy ra tai nạn giao thông.
Sinh viên Nguyễn Thế Đức - thành viên trong đội cho biết: "Để hoàn thiện dự án, chúng em đã áp dụng các kiến thức đã học về vi điều khiển, hệ thống nhúng đồng thời kết hợp các công cụ hỗ trợ để tạo ra sản phẩm chạy thật ổn định và chính xác. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, ĐH Duy Tân đã tạo điều kiện để chúng em được sử dụng các phòng thực hành và thí nghiệm với máy móc, thiết bị hiện đại để đo đạc các thông số, kiểm tra được quá trình hoạt động của sản phẩm,... Chúng em cũng rất vui vì đã được các giảng viên có nhiều kinh nghiệm cùng kiến thức chuyên môn tốt, đặc biệt là ThS. Trần Lê Thăng Đồng và kỹ sư Tạ Quốc Việt tận tình hướng dẫn để tạo ra một sản phẩm có kết quả rất tốt như hôm nay."